Cuộc sống người Việt tại Ba Lan
Hiện có khoảng hơn 40.000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Ba Lan. Cộng đồng người Việt ở đây phát triển ổn định, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nước sở tại. Và ngay cả thời điểm khi có làn sóng tẩy chay người nhập cư thì người Việt mình vẫn được đánh giá là chăm chỉ, thân thiện và đáng tin cậy.
1. Tết Nguyên đán Canh Tý đã qua được gần 1 tháng, nhưng dư âm từ Chương trình mừng Xuân 2020 của cộng đồng người Việt Nam tại nhiều tỉnh, thành ở Ba Lan dường như vẫn còn đọng lại. Trong không khí thân mật, đầm ấm, nhiều tiết mục giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian và ẩm thực truyền thống ngày Tết như gắn chặt thêm tinh thần đoàn kết, ở đấy, bà con kiều bào có dịp chia sẻ tâm tư tình cảm hướng về quê hương, đất nước và cùng nhau chờ đón những vận hội mới khi mùa Xuân đang về.
Theo lời Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan là một trong số ít cộng đồng tại châu Âu phát triển mạnh. Vì vậy, công tác cộng đồng luôn là một trọng tâm trong các nhiệm vụ của Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ba Lan. Điển hình như Hội Người Việt Nam tại đất nước Ba Lan từ ngày thành lập đã làm được rất nhiều việc để phục vụ cho bà con như kịp thời giúp đỡ, trợ giúp khi họ gặp hoạn nạn khó khăn, gắn kết cộng đồng Việt Nam, để bà con ngày càng hội nhập sâu rộng vào nước sở tại.
Tại Ba Lan có rất nhiều hội đoàn người Việt như Hội Doanh nghiệp, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Sinh viên, các Hội đồng hương… Các hoạt động của Hội luôn phong phú, thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng người Việt và người dân bản xứ. Thông qua các hoạt động đó không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa mà còn quảng bá được hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Trong đó, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Ba Lan được thành lập bởi những thanh niên sinh ra và lớn lên tại Ba Lan. Mục đích của Hội là kết nối với Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, hỗ trợ trẻ em Việt Nam có khó khăn về học tập, hỗ trợ cộng đồng tổ chức các hoạt động xã hội, giao lưu văn hóa Việt Nam, Ba Lan.
2. Số người Việt Nam tới Ba Lan sinh sống, học tập và lập nghiệp tăng nhanh từ sau năm 1991 và chủ yếu là buôn bán hàng hóa tại các chợ. Tuy nhiên, hiện nay ngoài kinh doanh tại các trung tâm thương mại, nhiều người năng động đã nắm bắt cơ hội, chuyển sang làm quán bar, nhà hàng và đầu tư kinh doanh khách sạn. Tại Ba Lan có hàng nghìn quán bar, nhà hàng Việt Nam. Người Ba Lan thích ăn món ăn Việt Nam nên việc kinh doanh cũng khá thuận lợi.
Trong số người Việt thành đạt ở Ba Lan, không thể không kể tới ông Trần Anh Tuấn – một doanh nhân có nhiều đóng góp tâm huyết cho các hoạt động vì cộng đồng suốt hơn 20 năm qua. Ông Tuấn sinh năm 1964, quê ở Nghệ An. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp ngành Toán ứng dụng tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phân về làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam, sau đó ông sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh. Sang đây, nắm bắt được những cơ hội kinh doanh, ông quyết định khép lại việc học, làm thủ tục bồi thường kinh phí học bổng cho Nhà nước rồi bắt đầu lăn lộn trong chốn thương trường.
Bằng bản lĩnh và sự năng động của mình, từ hai bàn tay trắng, ông Tuấn khởi nghiệp thành công từ việc kinh doanh nhỏ lẻ hàng dệt may. Giữa năm 2004, Ba Lan gia nhập thành viên thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) nên các tuyến biên giới được mở thông, ông Tuấn bắt đầu tìm tòi hướng đầu tư mới. Lúc này, biệt danh Tuấn Tomek đã được nhiều người Việt tại Ba Lan, Czech và Đức biết tới như một doanh nhân Việt Nam thành công nơi xứ người.
Xem thêm:
- Những điều cần lưu ý khi xklđ Balan
- Thị trường lao động Balan như thế nào?
- Chi phí để đi xuất khẩu lao động Ba Lan
Không chỉ là người thành công trên thương trường, ông Tuấn còn được bà con người Việt tại Ba Lan quý mến bởi sự thân thiện và tâm huyết, hết lòng với công tác cộng đồng. Hiện ông đang là Chủ tịch Hội Người Việt ở Ba Lan. Trên cương vị của mình, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ bà con khi họ gặp khó khăn . “Với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, những việc lớn nhỏ từ đối nội, đối ngoại, nhất là đối ngoại với chính quyền sở tại, thì không có một hội nào hay CLB nào làm được, ngoài Hội Người Việt Nam tại Ba Lan. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tổ chức chặt chẽ và đã có bề dày quan hệ với Ba Lan, cũng có tiếng nói nhất định trong chính quyền nước sở tại” – ông Tuấn cho biết.
Ông cũng đã cùng một số người có trách nhiệm thành lập 1 trung tâm y tế tại Warsaw, lấy việc hỗ trợ cộng đồng làm mục tiêu chính trong hoạt động. Đây là trung tâm y tế bài bản đầu tiên do người Việt thành lập tại Ba Lan đã hỗ trợ rất nhiều cho bà con người Việt mỗi khi họ ốm đau, bệnh tật. Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp, do tính đặc thù của Trung tâm Thương mại vùng Wólka Kosowska (Wólka Centre) có nhiều doanh nhân Trung Quốc, Việt Nam và gia đình liên quan tới nơi bùng phát dịch bệnh, lãnh đạo các Trung tâm thương mại người Việt Nam tại vùng Wólka Kosowska phối hợp với Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã thành lập Ban Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan phòng chống dịch do ông Trần Anh Tuấn là Trưởng Ban.
3. Có thể nói việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan là một trong những điểm nổi bật của cộng đồng người Việt sống và lao động ở Ba Lan. Bản sắc văn hóa ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh đời sống: ẩm thực, tình làng nghĩa xóm, nền nếp gia phong, phong tục lễ, tết… cho đến vấn đề lớn như duy trì tiếng mẹ đẻ.
Theo Đại sứ Vũ Đăng Dũng, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan luôn cổ vũ, đồng hành tất cả các hoạt động của cộng đồng nhằm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, thể hiện bản sắc của người Việt Nam đang sinh sống làm ăn tại Ba Lan, đặc biệt là việc duy trì, nuôi dưỡng giá trị này với các thế hệ trẻ thứ 2, thứ 3 tại Ba Lan. Và để duy trì được giá trị văn hóa của Việt Nam tại cộng đồng, một trong những công cụ quan trọng là việc giảng dạy và học tập tiếng Việt. Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, cộng đồng người Việt đã thành lập một trường dạy tiếng Việt để duy trì và phát triển ngôn ngữ Việt cho thế hệ trẻ người Việt.
Hàng năm, cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức rất nhiều sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa với nhiều hình thức khác nhau để thể hiện sức mạnh của cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan. Bởi dù ở dâu, làm gì thì trong sâu thẳm của mỗi người, quê hương, Tổ quốc bao giờ cũng là một nguồn lực tinh thần rất lớn giúp mọi người gắn kết với nhau.
Xem thêm:
- Những ai có thể được cấp thẻ thường trú PR của Ba Lan
- Xuất khẩu lao động các nước Châu Âu
- Chương trình xklđ Mỹ