Chia sẻ kinh nghiệm làm thêm cho sinh viên du học Canada

Du học Canada là ước mơ của nhiều người với mong muốn không chỉ tiếp cận được một nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới, mà còn là cơ hội sở hữu tấm hộ chiếu thứ 2. Một công việc làm thêm trong suốt thời gian học tại Canada giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính và là bước đệm quan trọng cho quá trình xin việc sau khi tốt nghiệp. Bài viết sau đây chia sẻ những điều kiện và kinh nghiệm làm thêm cho sinh viên khi du học tại Canada, giúp các bạn có cái nhìn toàn diện hơn khi tìm việc tại Canada.

Điều kiện làm thêm cho sinh viên khi du học Canada

Khi du học Canada, sinh viên được phép làm thêm để trang trải sinh hoạt phí và giúp tích lũy thêm kinh nghiệm cũng như hòa nhập tốt hơn với văn hóa bản địa. Có thể nói, đây là chính sách ưu đãi từ chính phủ cho du học sinh khi du học tại Canada. Tuy vậy, để được làm thêm hợp pháp tại Canada, bạn cần đáp ứng những tiêu chí sau:

1. Được cấp thị thực du học cho các chương trình học nhiều hơn 6 tháng.

Với sinh viên có visa du học ít hơn 6 tháng thì sẽ không được làm thêm. Nếu bạn đăng ký các khóa học toàn thời gian lớn hơn 6 tháng, bạn đủ điều kiện để làm thêm trong suốt thời gian học.

2. Có số bảo hiểm xã hội

Số bảo hiểm xã hội (số SIN) giúp bạn làm việc hợp pháp tại Canada cũng như các thông tin từ công việc sẽ được ghi nhận cho việc hưởng các khoản trợ cấp và dịch vụ từ chương trình của chính phủ nếu có. 

3. Đang theo học tại các trường đào tạo tại Canada với chương trình đào tạo nhiều hơn 6 tháng.

Nếu đã đăng ký các khóa học nhưng chưa vào kỳ nhập học bạn vẫn chưa được làm thêm. Ví dụ bạn đến Canada vào tháng 12, nhưng kỳ học của bạn bắt đầu vào tháng 1. Trong trường hợp này bạn phải đợi đến khi kỳ học bắt đầu thì mới được làm thêm.

4. Là sinh viên toàn thời gian

Trong một số kỳ học, nếu bạn chỉ đăng ký học bán thời gian thì sẽ không được làm thêm. Điều kiện để được làm thêm chỉ dành cho sinh viên học toàn thời gian, thường là ít nhất học 4 môn trong 1 kỳ. Lưu ý điều này bạn sẽ tránh khỏi những rắc rối sau này khi xin Work Permit sau khi tốt nghiệp.

Những điều cần lưu ý khi làm thêm tại Canada khi du học

Khi đáp ứng đủ các tiêu chí trên, sinh viên sẽ được làm thêm tối đa 20 tiếng/ tuần trong suốt thời gian học và có thể làm 40 tiếng/ tuần trong các kỳ nghỉ lễ hoặc khoảng thời gian nghỉ giữa 2 kỳ. Lưu ý quan trọng là nếu làm quá thời gian trên học sinh có khả năng bị trục xuất về nước nên du học sinh cần sắp xếp thời gian học và làm cho phù hợp.

Phân loại công việc làm thêm cho sinh viên du học Canada

1. Việc làm thêm cho sinh viên tại Canada trong trường (on-campus)

Việc làm thêm cho sinh viên on-campus thường sẽ không giới hạn thời gian làm việc nhưng không có quá nhiều lựa chọn cho sinh viên. Các công việc làm thêm on-campus phổ biến như trợ giảng, gia sư, nhân viên thư viện… Khi làm thêm on-campus, bạn không cần xin giấy phép làm việc work-permit và không cần phải vào kỳ học chính mới được đi làm như các công việc off-campus.

2. Việc làm thêm cho sinh viên tại Canada bên ngoài trường (off-campus)

Việc làm thêm off-campus sẽ bị bó buộc thời gian không được quá 20 tiếng/ tuần trong thời gian học và 40 tiếng/ tuần trong những kỳ nghỉ lễ hoặc thời gian nghỉ giữa 2 kỳ. Việc làm thêm off-campus cho sinh viên tại Canada khá đa dạng, bạn có thể xin các vị trí như nhân viên phục vụ, phụ bếp, nhân viên bán hàng… Lưu ý là bạn chỉ có thể làm việc off-campus khi đã bắt đầu vào khóa học chính. Nếu chưa vào khóa chính mà bạn đã đi làm off-campus, có khả năng cao là bạn sẽ bị trục xuất nếu bị phát hiện. Để tạo bước đệm tốt nhất cho quá trình xin việc đúng chuyên môn sau này khi tốt nghiệp, lý tưởng nhất là trong thời gian học bạn có thể xin việc làm đúng với chuyên ngành bạn đang theo học. 

3. Việc làm thêm cho sinh viên theo diện co-op.

Co-op là chương trình thực tập có hưởng lương được tính như một hoạt động bắt buộc khi sinh viên theo học tại các trường cao đẳng, đại học tại Canada từ 3 năm trở lên. Đây là cơ hội cho sinh viên có thể áp dụng những kiến thức từ trường lớp vào môi trường doanh nghiệp thực tiễn. Thời gian thực tập thường kéo dài 4 tháng và chiếm không quá 50% thời lượng học trên lớp.

Nguồn tìm kiếm việc làm thêm cho sinh viên tại Canada

1. Website của trường

Thông thường mỗi trường cao đẳng và đại học tại Canada đều có website riêng cho sinh viên đăng nhập và xem các thông tin không chỉ về nhà ở mà còn việc làm thêm. Có rất nhiều việc làm tốt từ các công ty uy tín được đăng trên website trường. Sinh viên nên tận dụng nguồn này để tìm kiếm cho mình một công việc làm thêm phù hợp khi du học Canada.

2. Website tìm việc

Website việc làm là một trong những nguồn bạn không thể bỏ qua khi tìm kiếm việc làm tại Canada. Các bạn có thể tìm kiếm công việc với bộ lọc là việc làm part-time cùng với job title bạn mong muốn trên các website này. Để thuận tiện hơn, bạn còn có thể đăng ký bản tin để nhận được những cập nhật việc làm liên quan qua email mỗi khi có việc làm mới.

Các website việc làm phổ biến tại Canada:

  • https://www.linkedin.com/
  • https://ca.indeed.com
  • https://www.glassdoor.ca/

3. Mạng xã hội & forum

Bên cạnh các nền tảng website tìm việc, mạng xã hội cũng là một trong những nguồn phổ biến cho sinh viên khi tìm việc làm thêm tại Canada. Không chỉ có hội nhóm người Việt, bạn còn có thể tham gia các hội nhóm việc làm của người nước ngoài tại Canada trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, hay các nền tảng forum lớn như Reddit.

4. Networking

Một trong những nguồn việc làm được nhiều người đánh giá cao đó chính là networking. Có thể nói hơn 70% số việc làm tại Canada đều thông qua hình thức networking. Nếu là một sinh viên “chân ướt chân ráo” còn chưa có networking mạnh, bạn có thể tận dụng lợi thế các mạng xã hội như LinkedIn, Facebook hay Reddit để kết nối với cộng đồng và những người trong ngành hoặc các ngành liên quan. Biết đâu bất ngờ cơ hội việc làm thêm đến ngay khi bạn còn chưa kịp mong đợi.

Mẹo xin việc và phỏng vấn khi làm thêm tại Canada

Dù bạn có đi xin thực tập, công việc toàn thời gian hay bán thời gian thì vẫn phải trải qua các giai đoạn khác nhau từ viết CV, tìm kiếm việc, và phỏng vấn. Sau đây là một số mẹo xin việc và phỏng vấn đúc kết từ chính kinh nghiệm thực tế của đội ngũ nhân viên tại iae Canada:

– Phần mở đầu Resume, hãy dùng nó để tóm tắt về kinh nghiệm làm việc của bạn, những giá trị mà bạn sẽ mang lại cho công ty. 

– Bỏ số liệu cụ thể và rõ ràng vào Resume, giống như bạn đã giúp công ty bán được 500 sản phẩm, tiếp được 1000 khách, điều này giúp người tuyển dụng hiểu rõ bạn giá trị như thế nào.

– Đừng viết Resume quá dài, ngắn gọn đầy đủ, vì con người chúng ta hay thích đánh giá cuốn sách qua trang bìa, vì vậy hãy làm trang bìa cho thật đẹp.

– Quá trình xin việc gồm 2 giai đoạn: Nộp Resume + phỏng vấn. Bạn phải hiểu rõ mục đích và hành động của mỗi giai đoạn này. Giai đoạn nộp Resume là để tìm phỏng vấn, đây là giai đoạn các bạn phải thể hiện bản thân, nhồi số liệu vào, thể hiện bạn là ứng viên tốt nhất cho vị trí đó, khi mà được gọi là bạn đã thành công 50% rồi. Lúc đi phỏng vấn đây là lúc các bạn thể hiện các kỹ năng của mình, thuyết phục và làm họ tin tưởng bạn sẽ làm tốt công việc.

– Soạn sẵn kịch bản phỏng vấn và chuẩn bị cũng như học thuộc các câu trả lời cơ bản, những câu khó hơn thì sẽ tùy cơ ứng biến. 

– Trong lúc phỏng vấn, nếu có câu hỏi nào bí không trả lời được, thì cứ thành thật là bạn không biết, nhưng hãy đề xuất các hướng tiếp cận của bạn để giải quyết vấn đề theo bạn nghĩ là tốt nhất.

– Nếu bạn chưa có PR, mà người ta lại hỏi về chuyện giấy tờ của bạn, bạn cứ trả lời tự tin là đang chuẩn bị nộp PR, kế hoạch của bạn là như thế này, trong vòng 1 năm tới thì bạn sẽ có PR. Nhiều khi người phỏng vấn của bạn sẽ không rõ các vấn đề PR hay visa, chỉ cần họ nghe câu trả lời hợp lý là được.

Hy vọng qua bài viết trên, iae Canada có thể giải đáp được phần nào khúc mắc của các bạn có ý định du học Canada và mong muốn tìm việc làm thêm trong quá trình học. Nếu vẫn còn những thắc mắc chưa được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chuyên viên tư vấn du học Canada của iae. 

Thay vì tự nộp đơn trực tiếp cho trường tốn nhiều thời gian tìm hiểu nhưng chưa chắc hiệu quả, dịch vụ tư vấn du học miễn phí tại iae Canada cung cấp cho bạn một giải pháp toàn diện cho con đường du học và định cư tại Canada.

Bài viết liên quan